Vụ 4 nạn nhân bị tử vong khi trục vớt tàu chìm tại vùng biển tỉnh Thừa Thiên-Huế Các nạn nhân không đeo mặt nạ phòng độc
QĐND - Thứ Tư, 19/06/2013, 22:13 (GMT+7)
QĐND - Đến 16 giờ 30 phút chiều 19-6, các lực lượng chức năng tỉnh Thừa Thiên-Huế đã đưa thi thể nạn nhân cuối cùng trong vụ tai nạn là Văn Công Thang vào bờ.
Trước đó, trưa 18-6, nhóm thợ lặn của Công ty TNHH trục vớt Long An đang tiến hành bơm nước từ khoang chiếc mũi tàu gặp nạn thì đầu rồng gặp sự cố. Anh Võ Văn Thuận, người thợ đầu tiên nhảy xuống khoang để kiểm tra vòi bơm thì bỗng nhiên bị ngạt thở, la thét vẫy vùng. Nghe tiếng anh Thuận kêu cứu, anh Văn Công Thang lập tức nhảy xuống để ứng cứu và cũng bị ngạt khí độc. Tiếp đó, hai anh Phan Văn Mạnh và Phan Văn Hiệp cùng nhảy xuống khoang để ứng cứu đều tử vong. Ngoài ra, khi tham gia cứu hộ có 4 người của Công ty TNHH trục vớt Bến Lức bị ngạt thở phải đưa đi cấp cứu hiện đã bình phục, được xuất viện.
Chiều 19-6, chúng tôi có mặt tại bãi biển xã Vinh Thanh chứng kiến lực lượng Công binh Bộ CHQS Thừa Thiên-Huế phối hợp với các đơn vị liên quan tiến hành vớt thi thể nạn nhân còn lại. Đại tá Trần Duy Vĩnh, Phó Tham mưu trưởng Bộ CHQS Thừa Thiên-Huế cho biết: Nguyên nhân vụ tai nạn bước đầu xác định do các nạn nhân bị nhiễm nặng khí mê-tan và lưu huỳnh được thải ra từ con tàu bị chìm lâu ngày. Trong quá trình trục vớt, các thợ lặn không mang các thiết bị
bảo hộ lao động và
kính phòng độc dẫn đến nhiễm phải khí độc trên. Hiện nay, để bảo đảm an toàn, Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Thừa Thiên-Huế đã thông báo tạm dừng mọi hoạt động trục vớt tàu, phong tỏa hiện trường, khảo sát phạm vi ảnh hưởng của chất độc để tránh xảy ra sự cố.
Đây là bài học đắt giá cho các công ty làm dịch vụ trục vớt và xử lý sự cố tai nạn trên biển. Sau khi tai nạn xảy ra, Công ty TNHH một thành viên đóng tàu Sài Gòn đã hỗ trợ mỗi nạn nhân thiệt mạng 50 triệu đồng, UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế cũng hỗ trợ mỗi người chết 4 triệu đồng.
TRẦN ĐÌNH THĂNG